Nhìn lại cuộc đời tôi giống như một chiếc đò, ngược xuôi, dọc ngang cứ thế mà chông chênh, lênh đênh mãi trên dòng nước trôi, trôi mãi trôi mãi không biết đâu là bến bờ.
Bạn đang xem: Đò dọc
Gia đình ngày đó của tôi vốn nghèo, bám trụ cuộc sống chỉ nhờ vào mấy sào ruộng ít ỏi, nhà lại đông người nên phải chạy từng bữa cơm. Cũng giống như bao cô gái khác ở tuổi mười sáu xuân sắc, gia đình tôi đông chị em, không có người anh hay đứa em trai nào để đỡ đần bớt phần gánh nặng trên vai cha mẹ. Tôi lại là chị lớn trong gia đình nên phải phụ tiếp phần nào đó cho cha mẹ như thân sức một người trai trán từ việc làm đồng án đến ai thuê gì làm nấy kiếm từng đồng để phụ giúp gia đình nuôi hai đứa em.
Nhà nghèo, học được lớp ba tôi đành nghỉ học, chữ đọc chưa rành, con số tính cũng mập mờ, tôi không muốn hay đứa em thơ của mình cũng dốt nát, để rồi lớn lên cũng giống như cha mẹ, như tôi, chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, không lẻ cứ để cuộc đời tụi nó cứ mãi là một vòng lẩn quẩn khổ cực như cha mẹ tôi. Lúc ấy tôi nghĩ đơn giản lắm, mình dốt rồi, số mình cũng khổ rồi thì không thể nào để tụi nó khổ như mình nữa, ít nhất phải biết cái chữ, học đến nơi đến trốn, có được cái nghề gì đó để tụi nó đỡ khổ hơn tôi lúc ấy.
Có một gia đình trung lưu trí thức Từ giã ngôi vôi về với ruộng đồng Xa lánh guốc giày, làm quen đỉa vắt Tập sống khiêm nhường gạo ruộng nước sông
Cùng tuổi với tôi bao người con gái khác họ được học, được chơi, lúc nào cũng son phấn làm đẹp. Còn tôi hằng ngày, không làm ruộng, làm thuê, mần cỏ mướn thì cũng bắt cá, mò từng con ốc bán kiếm từng đồng bạc lẻ, ngày nào cũng thế dầm mưa dãy nắng cũng không quan tâm trông mình như thế nào qua chiếc gương cũ kỹ nữa, chỉ cần hai đứa em sau này không phải khổ như tôi là đã quá đủ, còn tôi có như thế nào cũng chẳng sao cả.
Ngày qua ngày, năm tháng đi qua, cha mẹ cũng đã già hơn trước, tôi cũng thế làn da sạm màu vì nắng gió, bàn tay nay cũng chai sần hơn trước. Em tôi đứa nào cũng học giỏi dù điều kiện không bằng ai thiếu trước hụt sau, nhưng đứa học ra trường đi làm ổn định trong công ty được gần hai năm trời, cũng đã phụ tiếp phần nào cho cha mẹ đỡ khổ hơn trước, còn đứa út thì cũng đã học xong lớp 12, vừa được nhận vào làm cho một xí nghiệp.
Xem thêm: Hoài Lâm Bảo Ngọc - Nhìn Lại Hành Trình 10 Năm Yêu Nhau Của Hoài Lâm
Đứa nào cũng thương và lo cho tôi, hai đứa nó cứ nói với tui: “Chị hai ơi em sẽ cố gắng làm thật tốt để kiếm thật nhiều tiền, em phụ chị hai lo cho gia đình mình, cho chị hai, cha mẹ không còn cực khổ nữa, sẽ mua cho hai thật nhiều quần áo đẹp, cả giày mới nữa, cả son môi nữa cho hai của em thật đẹp như mấy người trên ti vi ấy, rồi em sẽ tìm một anh chàng nào thật tốt để gả cho chị hai của em”. Lúc ấy tôi chỉ biết cười và nói: “tao ở vậy với tụi bây để nữa tụi bây nuôi tao”. Nói như thế thôi, nhưng hai đứa nó cũng đã có người yêu hết rồi, còn tôi ở cái tuổi của các bà cô, bà dì thì còn ai ngó tới. Cùng tuổi với tôi bây giờ ai cũng hai, ba đứa con hết cả rồi, còn tôi đến nay vẫn chưa biết thế nào là tình yêu.
Hò lơ, ho lờ! Đò dọc lặng trôi Trôi trên con sông đợi Đưa người lìa xa, xa bến thương mang theo bao vấn vương Đời vỗ mạn thuyền nên sóng xô tan cuộc bình yên
Vẫn còn nhớ, thuở tuổi mười tám, hai mươi cũng có dăm ba người đến mai mối, hỏi cưới, cha mẹ cũng giục gã tôi đôi lần, muốn tôi có một tấm chồng để lo cho tôi bớt khổ cực nhưng tôi đều né tránh. Ở dưới quê tôi, ở cái tuổi đó mà không lấy chồng thì xem như là gái ế. Có lấy chồng thì chỉ lấy toàn những người đã qua một hai lần vợ hay người nào chơi bời, say xỉn, tính tình không tốt, không ai dám lấy mà thôi.
Đôi khi tôi nhìn những người chạc tuổi tôi có chồng, có vài đứa con tôi cũng buồn, cũng chạnh lòng đôi chút, nhưng chỉ là thoáng qua mà thôi. Bởi tôi biết, ba mẹ tôi giờ đây không còn khổ cực, lam lũ chạy từng bữa ăn, xin từng cái quần, cái áo, đôi dép cũ cho chị e tôi nữa. Tôi hãnh diện về hai đứa em tôi, tụi nó có tất cả những gì mà tôi từng mơ ước, đi học biết được cái chữ, có cái nghề và có người để yêu. Mà tụi nó bây giờ còn thay tôi lo cho cha mẹ còn đầy đủ và tốt hơn tôi nữa, thậm chí còn lo cả cho tôi.
Rồi thấm thoát, tôi hạnh phúc khi nhìn hai đứa em thơ ngày nào còn nhỏ xíu trong vòng tay, suốt ngày còn lăn tăn chạy theo, bám víu mà kêu chị hai ơi mà giờ đây đã là vợ của người ta. Trong ngôi nhà đơn sơ mà ấm cúng, luôn vang lên những tiếng cười giòn giã của cha, của mẹ, của chị em tôi. Nhưng nay đã vắng đi bóng của những đứa em thơ ngày nào. Cha mẹ già ngồi đó, hạnh phúc khi những đứa con đã có gia đình và cuộc sống cho riêng mình. Nhưng ẩn đằng sau những hạnh phúc, nụ cười là nước mắt và nỗi buồn khi vắng bóng con nhưng cha mẹ lại nói: còn mầy nữa, lo mà tìm một tấm chồng để đi khuất mắt tao, còn nhỏ gì nữa phải có đứa con để lo về già nữa. Tôi mới bảo: giờ cha mẹ già rồi còn gì, con mà lấy chồng thì ai bên cạnh mà lo cho cha mẹ, không khác nào là không có chồng, không có con như con bây giờ đâu. Thì cha mẹ lại bảo hai thân già tự lo. Tôi biết họ nói như thế để tôi chịu đi lấy chồng. Mấy đứa em cũng giống cha mẹ tôi suốt ngày thúc giục tôi lấy chồng, nói lúc nhà khổ tôi không chịu lấy ai để phụ lo gia đình nhưng bây giờ nhà đâu còn khổ nữa sao tôi cũng không chịu.
Mỗi ngày mỗi già song thân cũng yếu Mà mấy đứa em thì đã lấy chồng Mai mốt gia đình càng thêm quạnh vắng Trên dưới trong ngoài, đầu hạ cuối xuân
Nghĩ vậy nên lòng cô hai bối rối Rồi nữa lấy ai lo lắng việc nhà Cô hứa thôi thời mình nên ở giá Trung hiếu cho tròn tình mẹ nghĩa cha
Ai mà không muốn tìm kiếm cho mình một gia đình riêng, nhưng ở cái tuổi lỡ duyên bây giờ mới bắt đầu tình yêu thì liệu còn kịp hay không, thêm vào đó hai đứa em lại có chồng xa, cha mẹ tuổi ngày càng cao, lúc trẻ làm lụng nặng nhọc, cực khổ về già sức khỏe đâu được như trước, nay ốm mai đau, tôi tưởng tượng nếu như tôi cũng đi rồi thì ai ở bên kề cận, chăm lo cho cha mẹ già, lúc bệnh tật ốm đau, rồi lại kẻo làm cho hai đứa nhỏ lo lắng không yên tâm mà ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình tụi nó. Cũng vì thế từ đó tôi nguyện với lòng mình sẽ cùng già theo cha mẹ, mặc cho bao lời mối mai ở ngưỡng gần với tuổi tứ tuần.
Đời là dòng sông Ta trôi như con đò Chống chèo dọc ngang bao kiếp trôi Qua bao nhiêu khúc nhô Đò dẫu nặng nề trôi mấy trôi cũng về một nơi.