KHÁI NIỆM TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Mô hình đại học-trường đại học hiện tại yếu về nhiều mặt, trong đó đáng kể nhất là thiếu sức sống nội tại. Vậy đâu là lối ra cho mô hình này?


Mô hình đại học quốc gia gần đây đã nhận được nhiều sự tranh luận trên cả bàn hội nghị quốc hội và của các chuyên gia trên báo chí. Ảnh: Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của đại học quốc gia TP HCM. Ảnh: Đại đoàn kết.

Bạn đang xem: Khái niệm trường đại học

Câu chuyện mô hình tổ chức nhà trường là một phần của quản trị đại học. Đó là câu chuyện của thiết chế hệ thống, trong đó có cấp nhà nước và cấp đơn vị - trường. Đó là câu chuyện của mối quan hệ giữa các tổ chức này, vai trò, chức năng của chúng và trên hết là câu chuyện của tính hợp lý, tính hiệu quả trong việc tổ chức hoạt động của chúng trong một chỉnh thể hệ thống. Vậy nên khi bàn về vấn đề mô hình trường nghĩa là phải lập luận một cách rành mạch về sự cần thiết, sự thỏa đáng, sự phù hợp, tính hiệu quả của mô hình ấy trong hệ thống của chúng ta.

Cách thức tổ chức trường đại học của nước ngoài có giá trị tham khảo quan trọng nhưng đó không phải là khuôn mẫu hay thước đo chuẩn mực.

Khái niệm trường, khoa, cao đẳng, đại học trong giáo dục đại học trên thế giới

Trong cơ cấu tổ chức trường đại học ở nước ngoài, chúng ta thường gặp các tên gọi như university (trường đại học), college (trường cao đẳng), faculty (khoa), school (trường). Những tên gọi này chỉ các khái niệm khác nhau, được sử dụng khác nhau ở các hệ thống giáo dục đại học khác nhau.

Trong hệ thống giáo dục của Mỹ, trường (school) là từ chung nhất để chỉ nơi diễn ra đào tạo, giáo dục chính thức (formal schooling), do vậy đó có thể được dùng để chỉ trường phổ thông, trường ở bậc đào tạo sau phổ thông, hoặc viện, trung tâm đào tạo. Đại học (university) là tổ chức trường đại học lớn nhất bao trùm trường cao đẳng, khoa và trường, thường trong mỗi đại học phải có ít nhất một trường cao đẳng – college (undergraduate schools) để đào tạo và cấp bằng cử nhân và các trường đào tạo sau đại học (graduate schools) để đào tạo và cấp bằng ở bậc cao hơn như thạc sỹ, tiến sỹ. Trường cao đẳng – college, có thể nằm trong trường đại học (university) hoặc riêng biệt, tổ chức các chương trình đào tạo 2 năm hoặc 4 năm để cấp chứng chỉ hoặc bằng cử nhân. Cũng có một số ít trường cao đẳng (college) tổ chức đào tạo và cấp bằng sau đại học nhưng thường chỉ ở một số chuyên ngành nào đó. Trong một trường đại học (university), faculty là cấp cao nhất cho khoa hoặc chuyên ngành, và một khoa có thể có nhiều trường (schools) trong đó.

Ở hệ thống của Anh, cao nhất cũng là trường đại học (university), trong đó có thể có trường cao đẳng (college), khoa (faculty), trường (school, department), trung tâm (center). Nhưng khác với hệ thống đại học Mỹ, đơn vị department tương đương với school vẫn được sử dụng dù ít phổ biến hơn trước, chẳng hạn như Khoa Giáo dục của ĐH Oxford có tên Department of Education.

Một điểm khác biệt nữa của hai hệ thống là vị trí của trường cao đẳng trong hệ thống giáo dục. Trường cao đẳng truyền thống của Anh được hiểu là nơi tổ chức học tập sau phổ thông (further education) nhưng chưa bước vào đại học (chương trình đại học ở Anh kéo dài 3 năm thay vì 4 năm như ở Mỹ). Trong hai năm dự bị trước khi vào đại học, học sinh học ở trường cao đẳng và đây cũng là nơi những người quá tuổi học phổ thông muốn học để thi lại lấy bằng A-level hoặc chứng chỉ GCSE có thể đến học. Tuy vậy gần đây, các trường cao đẳng của Anh cũng bắt đầu tổ chức các chương trình đào tạo cấp bằng đại học.

Như vậy có thể thấy tên gọi cao đẳng hay đại học ở các hệ thống này không hàm chứa sự thấp kém về vai trò hay chất lượng. Tên gọi này được dùng ‘có lý do’, rõ ràng phản ánh vai trò, sứ mệnh của mỗi loại hình trường mà chúng đảm nhận trong mỗi hệ thống. Rất nhiều các trường tư danh tiếng của Mỹ có tên gọi là college. Rất nhiều các trường trực thuộc các đại học danh tiếng có vị thế hàng đầu thế giới trong một lĩnh vực cụ thể được gọi là school, như London School of Economics chẳng hạn.

Trong hệ thống giáo dục sau phổ thông ở Việt Nam cũng có các đơn vị tổ chức có tên gọi tương tư, như trường cao đẳng (theo nghĩa thấp hơn đại học, và hiện nay chỉ dành cho giáo dục nghề nghiệp), trường đại học (bao gồm cả 3 bậc đào tạo cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ), và cả đại học (không đào tạo, bao gồm các trường đại học, khoa, viện). Tuy nhiên trên thực tế có nhiều yếu tố chưa rõ ràng, mạch lạc về mặt mô hình đại học – trường đại học.

Mô hình đại học ± trường đại học của Việt Nam

Lịch sử hình thành các đại học hai cấp gồm đại học quốc gia và đại học vùng

Để xét đoán và đánh giá về mô hình đại học hai cấp đại học – trường đại học, không thể không ngược dòng thời gian tìm hiểu về căn nguyên, nguồn gốc dẫn đến việc thành lập các đại học quốc gia và đại học vùng.

Ngược dòng thời gian trở lại bối cảnh kinh tế xã hội đầu những năm 90, Nghị quyết 05 của Hội nghịlần thứ tư Ban chấp hànhTrung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa VII 6/1993 đặt ra một số nhiệm vụ trong đó có “xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia”, “xây dựng một số cơ sở mạnh đảm nhận các nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm”, và “xây dựng các trung tâm khoa học vùng”. Để hiện thực hóa các nhiệm vụ này, các đại học quốc gia và đại học vùng đã lần lượt được thành lập từ cuối năm 1993 trên cơ sở “tổ chức, sắp xếp lại” các trường đại học đã có. Đầu tiên là Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN)được thành lập từ 3 trường đại học lớn ở Hà Nội: trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trường Đại học Sư phạmHà Nội I và trường Đại học Sư phạmNgoại ngữ Hà Nội. Tiếp sau là Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Thái Nguyên vào năm 1994, và cuối cùng là Đại học Quốc gia TPHCM năm 1995.

Bất kể điều chỉnh theo hướng nào, sử dụng mô hình nào và tên gọi là gì, để có thể duy trì và phát triển mô hình đại học quốc gia và vùng, vấn đề cốt lõi cần phải tập trung xử lý triệt để hai yếu tố lợi ích, trong đó có lợi ích tài chính, và tự chủ - đi kèm với trách nhiệm giải trình, trong mỗi quan hệ giữa đại học mẹ và đại học thành viên, và giữa các đại học thành viên với nhau.

Trong quá trình thành lập, các trường đã được sắp xếp lại, một số trường được chia tách, được đổi tên, như Đại học Tổng hợp Hà Nội thành Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để trở thành các trường đại học chuyên ngành. Có trường được thành lập mới, như trường đại học Đại cương. (Sau khi hoàn thành giai đoạn Đại cương 2 năm đầu tiên, sinh viên phải thi chuyển tiếp lên giai đoạn 2, giai đoạn chuyên ngành).

Như vậy có thể nói mô hình đại học 2 cấp ra đời nhằm xây dựng đại học đa ngành, đa lĩnh vực… với vai trò là các đại học trọng điểm thực hiện sứ mệnh phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và vùng, được kỳ vọng trở thành các đại học đẳng cấp quốc tế. Lợi ích kỳ vọng của mô hình này là tạo nên sức mạnh tổng hợp từ nhiều ngành đào tạo, tạo điều kiện phát triển giáo dục và nghiên cứu liên ngành, đồng thời cho phép chia sẻ nguồn lực để tăng cường hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nhiều bất cập xuất hiện. Mô hình không đạt kỳ vọng, phần nào bị lung lay và phá vỡ. Cụ thể là việc xóa bỏ trường đại học Đại cương năm 1998, hay việc tách trường Đại học Sư phạm ra khỏi Đại học Quốc gia Hà Nội và đưa một số trường thành viên ra khỏi ĐHQG TP.HCM năm 2001.

Những bất cập của các đại học hai cấp

Trong suốt quá trình phát triển gần 30 năm, mô hình đại học hai cấp ‘đại học-trường đại học’ vẫn chưa thực sự đứng vững. Câu hỏi về sự tồn tại của nó đã được đặt ra không chỉ một lần do những vấn đề về mô hình, cách thức xây dựng, vận hành và tổ chức kết cấu.

Trước nhất, việc kết hợp một cách cơ học các trường thành viên, vốn đã là các trường đại học có vị thế với lịch sử phát triển lâu đời, thành đại học hai cấp ngay từ ban đầu đã ẩn chứa bất ổn. Bản thân các trường thành viên không thực sự đồng tình, thậm chí không muốn sáp nhập vì quyền lợi của họ bị động chạm, bị xâm phạm trước những lo ngại về việc bị hạ cấp từ “trường” thành “khoa”, về khả năng mất nhiều “ghế” quản lý. Để thoả hiệp, vị trí trường thành viên với các chức vụ quản lý trước đây được giữ nguyên, do vậy các trường thành viên này có kết cấu đầy đủ như khi họ tồn tại riêng lẻ. Đây chính là nguồn gốc của những bất cập sau này về tổ chức hệ thống.

Có thể thấy việc sáp nhập nặng về cơ học đã không thực sự tạo được sự gắn kết giữa các đơn vị thành viên. Thậm chí sự gắn kết giữa các đơn vị thành viên với đại học mẹ cũng lỏng lẻo do sự độc lập của các đơn vị này. Cấp quản lý cao nhất – đại học mẹ - chỉ giống như một cấp quản lý trung gian, tạo bộ máy cồng kềnh, hiệu quả thấp.

Xem thêm: Vợ Diễn Viên Bình Minh: Nhiều Lần Giúp Chồng Vượt Qua Scandal Ngoại Tình Khiến Ai Cũng Nể Phục

Về quản lý nhà nước và quản trị tổ chức, cơ chế các trường thành viên đồng thời phải báo cáo cho cả đại học mẹ (đại học quốc gia/vùng) và Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã ảnh hưởng tới sự phát triển tự chủ của các đơn vị thành viên. Hơn nữa, mặc dù về kết cấu tổ chức, các đại học quốc gia và đại học vùng có mô hình giống nhau với cách thiết lập như nhau, nhưng đại học quốc gia trực thuộc Chính phủ còn đại học vùng vẫn trực thuộc Bộ GD&ĐT. Chính vì vậy vị thế của các trường thành viên ĐHQG với thành viên của đại học vùng lại hoàn toàn khác nhau. Theo ý kiến của lãnh đạo của các trường thành viên đại học vùng, họ phải chịu thiệt thòi so với các trường đơn ngành trong hệ thống ‘được trực tiếp báo cáo Bộ GD&ĐT’. Những bất cập về cơ cấu, cơ chế và quyền lợi này lại tiếp tục gây ra các bất ổn nội tại khác của mô hình.

Sau khi sáp nhập, quy mô cơ học của các trường to lên rất nhiều trong khi sức mạnh không tương ứng, thậm chí năng lực phát triển của các trường thành viên bị hạn chế do các hạn chế về mô hình. Trong bối cảnh như vậy, các trường thành viên có lịch sử phát triển lâu đời vẫn có xu hướng độc lập với đại học mẹ, thậm chí một số có xu hướng thoát ly sự kiểm soát của đại học mẹ ở một vài lĩnh vực. Trong khi đó, với các trường đại học non trẻ mới thành lập thì vị thế của đại học quốc gia và đại học vùng là điểm tựa, là cái ô để họ phát triển.

Một điểm bất cập nữa là về quản lý, quản trị. Các trường thành viên đều có kế hoạch và ưu tiên riêng, cách thức tổ chức quản lý và quản trị nhà trường khác nhau khiến cho khối cộng cơ học này thiếu tính thống nhất. Cấu trúc và bộ máy hành chính trùng lặp, trong khi hoạt động giảng dạy và nghiên cứu vẫn được khu biệt trong nội bộ các trường và khoa riêng biệt. Dù đã có các nỗ lực liên kết đào tạo như cấp bằng đôi do các trường thành viên phối hợp tổ chức, về cơ bản đào tạo và nghiên cứu liên ngành bị chưa có điều kiện phát triển.

Ngoài ra còn những vấn đề do tên gọi tổ chức và chức danh quản lý gây khó khăn trong hợp tác quốc tế. Khái niệm đại học nằm trong đại học (university in university) là không hề dễ hiểu, hoặc chức danh President (chỉ Giám đốc đại học mẹ) và Rector (Hiệu trưởng đại học thành viên) cũng gây bối rối. Bản thân tên gọi đại học và trường đại học rất tối nghĩa trong tiếng Việt dù đã được luật hóa.

Phân tích nhược điểm của mô hình ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH QG TP.HCM, các chuyên gia trong và ngoài nước đều nhắc đến việc không tận dụng được ưu thế về tiềm năng và tiềm lực tổng hợp của các đơn vị thành viên; từ đó đã chưa thể phát triển vượt bậc trở thành các đại học đẳng cấp quốc tế có thứ hạng cao như kỳ vọng.

Lối ra nào cho mô hình này?

Rõ ràng việc điều chỉnh đối với mô hình đại học hai cấp là cần thiết, và điều chỉnh theo hướng nào cũng đã nhiều lần được bàn thảo, nhất là trong những dịp chỉnh sửa luật.

Trước tiên cần thấy rằng câu chuyện của “đại học – trường đại học” hiển nhiên không đơn thuần là tên gọi. Do vậy các đề xuất thay đổi tên gọi các tổ chức, chức danh này chỉ là xử lý cái vỏ mà không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Chưa kể việc thay đổi tên gọi có thể tiếp tục động chạm vào những vấn đề danh lợi vốn dĩ làm tắc nghẽn cơ cấu tổ chức của mô hình đại học hai cấp.

Vậy đây có phải là vấn đề của mô hình? Khi tư vấn về mô hình đại học hai cấp, các chuyên gia của World Bank đã đưa ra hai gợi ý:

Một là,cho phép các trường thành viên đơn ngành phát triển thành các trường đại học đa ngành và đại học hai cấp hiện tại biến thành một tập đoàn các trường đại học với sự liên kết lỏng lẻo.

Hai là,đại học hai cấp chuyển thành một “university” đa ngành đơn nhất thực sự, thay đổi bộ phận điều phối trung gian bên trên thành cấp điều hành trực tiếp, các trường thành viên được tổ chức thành các “faculty” và “school”.

Tuy nhiên đây cũng là những mô hình của phương Tây, không nhất thiết sẽ đúng, sẽ phù hợp trong bối cảnh xã hội chính trị của Việt Nam. Và nếu chỉ mượn mô hình, rất có thể chúng ta vẫn chỉ xử lý được lớp vỏ bên ngoài.

Phân tích ở trên cho thấy các vấn đề của mô hình đại học-trường đại học này đều được điều chỉnh bởi vấn đề lợi ích của các bên khi gia nhập, nay là thành viên của các đại học hai cấp. Do vậy, bất kể điều chỉnh theo hướng nào, sử dụng mô hình nào và tên gọi là gì, để có thể duy trì và phát triển mô hình đại học quốc gia và vùng, vấn đề cốt lõi cần phải tập trung xử lý triệt để hai yếu tố lợi ích, trong đó có lợi ích tài chính, và tự chủ - đi kèm với trách nhiệm giải trình, trong mỗi quan hệ giữa đại học mẹ và đại học thành viên, và giữa các đại học thành viên với nhau. Rõ ràng đây là vấn đề xây dựng một thiết chế hệ thống, trong đó cần nêu rõ các tổ chức thành viên, định nghĩa về vai trò của chúng và sự phân vai, phân nhiệm, và cơ chế liên kết, báo cáo giữa chúng để đảm bảo các bên đều cần ngồi lại trong thiết chế này một cách “có lý do”.

Khi các trường thành viên hoàn toàn có thể tự đứng độc lập thì cần phải có những lý do xác đáng để ràng buộc họ dưới trướng của đại học mẹ. Sự ràng buộc ở đây không phải là ràng buộc cơ học hay pháp lý, mà là ràng buộc về quyền lợi, lợi ích. Như vậy đòi hỏi đại học mẹ phải đủ lớn, đủ tầm nhất là trong kết nối quốc tế và phát triển quỹ (fund raising) tạo nguồn tài chính. Nếu không làm được điều này, khi thực thi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, mở cơ chế tự chủ tài chính cho các trường thành viên, mối liên hệ giữa họ với đại học mẹ sẽ lỏng lẻo hơn bao giờ hết.

Mặt khác, để giải phóng cho các trường phát huy tiềm năng của họ, họ cần phải được trao quyền tự chủ toàn diện về học thuật và tổ chức nhân sự. Thậm chí trướng đại học mẹ cần phải tạo ra lợi thế cho các trường thành viên, gỡ cho họ những ràng buộc từ phía Bộ GD&ĐT mà các trường đơn ngành trong hệ thống phải chịu, chẳng hạn về hạn chế mở ngành, kiểm định chất lượng… và đại học mẹ phải chịu trách nhiệm giải trình ở cấp cao nhất. Trong hệ thống giáo dục đại học trong nước, mô hình tổ chức và quản trị của Đại học Cần Thơ là rất đáng xem xét, tham khảo, về cả tính gọn nhẹ và tính liên kết giữa các đơn vị thành viên và liên kết giữa đơn vị thành viên với đại học chủ quản.

Để tránh cồng kềnh về bộ máy, cần dỡ bỏ bất cứ cấp/lớp quản lý hành chính nào bị trùng lặp, nhiều khả năng là cấp đơn vị, để biến nó thành cấp trung gian nhỏ gọn, kết nối giữa đại học mẹ và trường thành viên, thay vì là cấp trực tiếp triển khai, thực thi như hiện nay. Tuy nhiên việc này động chạm tới quyền lợi của các trường, đòi hỏi phải có sự ra tay của Chính phủ để thực hiện.

Việc tổ chức các đơn vị thành viên cần phải nhất quán trong cách phân chia các đơn vị này về chức năng và vai trò, có thể theo bậc đào tạo (đại học và sau đại học), theo lĩnh vực đào tạo (khối ngành hay chuyên ngành), hoặc theo mức độ tự chủ (tài chính, học thuật…) hoặc kết hợp. Với cách phân chia không nhất quán như hiện nay, vừa theo khối ngành (như trường ĐH KHXH&NV, vừa theo chuyên ngành (như trường ĐH Ngoại ngữ), một đại học quốc gia đa ngành có thể trở nên vô cùng đồ sộ, đồng thời kém hiệu quả do trùng lặp về chức năng (như chuyên ngành sư phạm của trường ĐH Ngoại ngữ và ĐH Giáo dục).

Cần lưu ý cách tiếp cận áp đặt từ trên xuống thông qua các công cụ pháp lý hay tài chính đối với việc sắp xếp, tổ chức lại cấu trúc nội tại của mô hình hiện nay sẽ khó đem lại sự bền vững cho mô hình. Các trường thành viên cần có cơ hội đàm phán, thỏa thuận với nhau và với nhà tổ chức. Tương tự, các quy định trong dự thảo Nghị định (về triển khai Luật Giáo dục Đại học sửa đổi) về sáp nhập các trường nhỏ thành đại học hai cấp cũng cần xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của các trường để hấp dẫn với các trường, khuyến khích họ chủ động tham gia và tìm kiếm đối tác sáp nhập, và để quy hoạch hệ thống có thể đạt kết quả mong muốn.

Kết luận

Mô hình đại học-trường đại học hiện tại yếu về nhiều mặt, trong đó đáng kể nhất là thiếu sức sống nội tại. Nếu không có những thay đổi mang tính căn bản, sự tồn tại của mô hình hai cấp chỉ là vấn đề thời gian, tuỳ thuộc vào vai vế, sức mạnh của nhóm quyền lợi muốn duy trì bộ máy cồng kềnh này.

---------

Tài liệu tham khảo:

https://www.studyusa.com/en/a/107/what-is-the-difference-between-a-school-college-and-university-in-the-usa

http://usic.sheffield.ac.uk/blog/2015/november/the-difference-between-university-and-college-in-the-uk

https://thanhnien.vn/giao-duc/bo-dai-hoc-quoc-gia-va-dai-hoc-vung-nen-hay-khong-1021932.html